Vi phạm bản quyền phim truyền hình trên TikTok: Khi những đứa con tinh thần bị “xẻ vụn”
VHO- Bên cạnh các chương trình gameshow, thể thao… phim truyền hình đang là “nạn nhân” tiếp theo của vấn nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số, đặc biệt là nền tảng TikTok. “Cắt vụn” các tập phim, chèn nhạc, xóa logo của đơn vị sản xuất… hàng loạt chiêu trò được các đối tượng sử dụng để lách “luật”, khai thác trái phép tác phẩm.
Vấn đề vi phạm bản quyền phim truyền hình đang diễn ra rất nhức nhối
“Mỏ vàng” khai thác… "chùa"
Nếu thường xuyên theo dõi phim truyền hình, khán giả gần như có thể tìm thấy tất cả các bộ phim trên TikTok. Chỉ cần điền tên tác phẩm vào thanh công cụ tìm kiếm, kết quả trả về là cả nghìn video được nhiều tài khoản đăng tải trái phép. Hầu hết là những trích đoạn ngắn, cá biệt có những video dài gần chục phút. Trái khoáy ở chỗ, đôi khi video phát lậu lại thu hút nhiều lượt xem hơn cả video của “chính chủ”.
Cuộc đời vẫn đẹp sao đang là một trong những phim truyền hình bị phát lậu nhiều nhất. Với hashtag #cuocdoivandepsao, TikTok thông báo các video đính hashtag này có tới hơn 611 triệu lượt xem. Tương tự, Gia đình mình vui bất thình lình đang trở thành “mỏ vàng” để các đối tượng khai thác “free” khi video chứa hashtag của phim đã lên tới hơn 2,2 tỷ lượt xem. Ngoài hai phim kể trên, Thương ngày nắng về, Cây táo nở hoa, Hương vị tình thân... cũng là những phim được chia sẻ nhiều. Thậm chí, ngay cả những phim đã sản xuất từ rất lâu như Ma làng, Phía trước là bầu trời... cũng được các đối tượng “khai quật” lại để câu view, kiếm tiền.
Theo đại diện Ban Kiểm tra (Đài Truyền hình Việt Nam), sự nở rộ của các nền tảng mạng xã hội cũng kéo theo tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm truyền hình ngày càng phức tạp. Trong đó, phim truyền hình là một trong những nội dung bị vi phạm nhiều nhất, thiệt hại rất khó đong đếm. Ngay sau khi phát sóng ở hạ tầng ti vi truyền thống, Đài Truyền hình Việt Nam đều cho phát lại ở những hạ tầng số để khán giả có thể xem nếu bỏ lỡ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn cách lướt video đăng trái phép trên TikTok. Phía VFC, đơn vị sản xuất nhiều bộ phim truyền hình ăn khách cũng nắm được thực trạng này nhưng chưa có phương án giải quyết triệt để vì số lượng kênh, video vi phạm quá nhiều.
Không chỉ bị xâm phạm bản quyền, những bộ phim truyền hình khi phát lậu trên TikTok còn bị đính kèm chú thích xuyên tạc rất phản cảm. Đơn cử với bộ phim Sinh tử, một kênh TikTok đã đăng tải trái phép các tập phim và chạy dòng chú thích gây sốc như “Lời xin lỗi của một dân chơi”, “Tú ông xử lý chân dài”... Việc này không chỉ khiến khán giả hiểu sai lệch về nội dung phim mà còn khiến các bộ phim vốn mang giá trị nhân văn lại bị gắn kèm những ngôn từ thô thiển, dung tục.
Cần cải tiến quy trình, siết chặt quy định
Trên thực tế, xử lý các hành vi vi phạm bản quyền là điều không dễ dàng đối với các nhà đài và đơn vị sản xuất. Liên quan đến vấn đề khiếu nại bản quyền, TikTok đăng trên trang chủ: “… Khi nhận được báo cáo hợp lệ về khả năng xảy ra vi phạm quyền sở hữu trí tuệ từ chủ thể nắm quyền, hoặc đại diện được ủy quyền, TikTok có thể sẽ xóa nội dung bị cáo buộc vi phạm và tạm thời hoặc vĩnh viễn đình chỉ tài khoản vi phạm”. Nếu chiếu theo quy định này, TikTok đang “thừa nhận” mình không có công cụ tự động “truy quét” những video, chủ kênh vi phạm mà xử lý thủ công, dựa vào báo cáo của người dùng rồi mới “trảm”. Với số lượng lớn các video được đăng tải hằng ngày, cùng cách xử lý “thô sơ” như TikTok đang triển khai, không một đơn vị nào dám nhận mình có khả năng phát hiện hết tất cả các video vi phạm, nói gì đến lập hồ sơ xử lý.
Bên cạnh đó, quy trình cơ bản để xử lý các vấn đề liên quan đến vi phạm bản quyền là nhà đài nộp đơn khiếu nại, cơ quan chức năng tiếp nhận đơn, xem xét rồi yêu cầu đơn vị liên quan chặn nội dung vi phạm… thường phải mất từ 3-5 tuần, trong khi thế giới chỉ từ 7-10 ngày. Cá biệt, ở một số nước như Indonesia, Malaysia chỉ mất có 48 giờ. Theo một số luật sư, trên môi trường số, thiệt hại về kinh tế trong vấn đề vi phạm bản quyền tính theo từng giờ. Do đó, chúng ta cần phải rút ngắn quy trình để tránh gây thêm thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Liên quan đến hoàn thiện các quy định về pháp luật, dù có nhiều nỗ lực củng cố hành lang pháp lý nhưng với thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm, đòi hỏi các quy định phải liên tục được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Học hỏi kinh nghiệm ở nước láng giềng Hàn Quốc, từ năm 1986 đến nay, quốc gia này đã 20 lần chỉnh sửa Luật Bản quyền và họ cũng đặc biệt quan tâm đến các quy định ngăn chặn vi phạm trên môi trường số. Ngoài bị xử phạt hành chính, đối tượng vi phạm còn có thể phải đối mặt với hàng loạt tình tiết tăng nặng dẫn đến án tù nhiều năm.
Trở lại câu chuyện trong nước, Bộ VHTTDL đang nỗ lực xây dựng Nghị định thay thế cho Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, Nghị định 131 sau 10 năm triển khai thực hiện đã tạo chuyển biến tích cực trong thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, Nghị định giờ đây lại có nhiều điểm đã lỗi thời, đòi hỏi phải sớm có Nghị định thay thế.
“Bất cập lớn nhất là mức phạt tiền của Nghị định 131 chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi và giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu, dẫn đến việc xử phạt còn nhẹ, chưa phù hợp, chưa tương xứng mức độ gây thiệt hại, đặc biệt là trên môi trường số. Do đó, trong Nghị định mới chắc chắn mức xử phạt sẽ tăng lên để tạo sức răn đe, ngăn chặn việc tái phạm. Các biện pháp khắc phục hậu quả cũng sẽ được bổ sung và nêu rõ trong Nghị định mới. Song song đó, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bên liên quan để đề xuất, đồng bộ các giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền. Nhưng trên hết, chúng tôi vẫn mong muốn người dân sẽ tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mình”, ông Trần Hoàng nêu.
ĐÌNH TOÁN